Đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn: Góc nhìn từ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018
Phóng to Thu nhỏ In

Chương trình (CT) Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 mở ra thử thách nhưng nhiều hơn là cơ hội cho giáo viên trung học: Thử thách đối với những giáo viên có sức ì quá lớn, ngại thay đổi, nhưng lại là cơ hội cho những giáo viên yêu nghề, tâm huyết với nghề, khát khao mang đến những giờ học mà ở đó học sinh được đảm bảo tự mình chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập, qua đó phát triển những phẩm chất và năng lực được quy định trong CT GDPT 2018.

Tiết học “Tấm lòng người mẹ” (V. Huy-gô) của Trường THPT Cầu Ngang A

Thực hiện Công văn số 1562/HD SGDĐT-GDTrH, ngày 30/8/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2023-2024 và Kế hoạch số 2091/SGDĐT-GDTrH ngày 03/11/2023 về việc triển khai hoạt động của Hội đồng bộ môn các môn học cấp Tỉnh năm học 2023-2024; Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã chỉ đạo sâu sát nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nâng cao năng lực giáo viên, đáp ứng mục tiêu triển khai hiệu quả CT GDPT 2018.

2. Theo Thông tư 32, CT GDPT 2018 thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. CT GDPT 2018 cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

3. Xuất phát từ đặc trưng của sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học – biện pháp để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên thông qua nghiên cứu, cải tiến từng bài học cụ thể, có nguồn gốc trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, từ thời Meiji (1868-1912) và tiếp theo đó được sử dụng rộng rãi tại các trường học Nhật Bản, đã được giới thiệu ở nhiều quốc gia khác nhau như Mĩ, Đức, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia…, Hội đồng bộ môn các môn học cấp Tỉnh đã xây dựng tích hợp các chuyên đề (lí luận) và tiết dạy thực nghiệm (thực tiễn) với tiến trình cụ thể như sau:

- Thảo luận và chọn các mạch vấn đề có tính lí luận để làm cơ sở khoa học cho việc tổ chức hoạt động học tập nhằm phát huy hiệu quả năng lực và phẩm chất học sinh. Chọn 01 giáo viên (của đơn vị đã được phân công trong kế hoạch triển khai hoạt động của Hội đồng bộ môn các môn học cấp Tỉnh ngay từ đầu năm học) phác thảo khung chuyên đề, viết chuyên đề và nộp lại cho Hội đồng bộ môn để phản biện, thẩm định và hoàn thiện.

- Thảo luận và chọn các chủ đề có tính thực tiễn cao để làm cơ sở khoa học cho việc tổ chức tiết dạy thực nghiệm, tường giải cho những mạch lí luận về phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Chọn 01 giáo viên (của đơn vị đã được phân công trong kế hoạch triển khai hoạt động của Hội đồng bộ môn các môn học cấp Tỉnh ngay từ đầu năm học) thiết kế kế hoạch bài dạy, thảo luận trong tổ chuyên môn, hoàn chỉnh và nộp lại cho Hội đồng bộ môn để phản biện, thẩm định và hoàn thiện.

- Xin đơn cử một diễn trình sinh hoạt chuyên môn của môn Ngữ văn được thực hiện tại Trường THPT Phạm Thái Bường, thành phố Trà Vinh vào ngày 25/01/2024 (học kì 2 của năm học 2023 – 2024).

- Từ diễn trình sinh hoạt chuyên môn trên, một điều dễ nhận ra là tình kết nối giữa lí luận và thực tiễn, giữa chuyên đề báo cáo và tiết dạy thực nghiệm. Đây chính là “một kênh khả dụng” để các đồng nghiệp cùng nhau phân tích, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân khi trở về công tác tại đơn vị của mình. Điều quan trọng là mỗi giáo viên trực tiếp quan sát, ghi nhận, phân tích, tổng hợp và rút kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng, quan trọng hơn nữa chính là từ hoạt động thảo luận, tranh biện giữa các đồng nghiệp về chuyên đề, về tiết dạy sẽ vỡ ra nhiều vỉa tầng tri thức về phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá trong dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Giáo viên môn Ngữ văn tham dự sinh hoạt chuyên môn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Trường THPT Phạm Thái Bường, thành phố Trà Vinh

4. Từ việc xây dựng bài học minh họa đến khâu tổ chức dạy học minh họa và dự giờ; Từ hoạt động phân tích bài học đến việc vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày của đồng nghiệp, chúng tôi nhận thấy hình thức sinh hoạt chuyên môn này kéo những giáo viên đang làm việc đơn lẻ trở lại làm việc cùng nhau; xây dựng tình đồng nghiệp, phát triển trường học như một “cộng đồng học tập”; chuyển giáo viên thường làm những việc đã quen và cho rằng nó đang tốt sang xem xét lại thực tế và điều chỉnh, thay đổi; giúp giáo viên nhận thức được rằng không thể thay đổi người khác hoặc quá khứ nhưng có thể thay đổi được bản thân và tầm nhìn ở hiện tại, tương lai. Đây cũng chính là những giá trị của sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học mà Hiệp hội Nghiên cứu bài học thế giới (World Association of Lesson Studies) đã chỉ ra.


Trương Thanh Tòng thực hiện

  • Đang online:
  • Tổng lượt truy cập: