Đoàn công tác Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực khảo sát tại Trà Vinh về tình hình dạy và học tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số
Phóng to Thu nhỏ In

Sáng ngày 18/06/2024, đoàn công tác Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực do bà Lưu Bích Ngọc - Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tại Trà Vinh về tình hình dạy và học tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp và làm việc với đoàn có Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết: Trong năm học 2023 - 2024 số trường tổ chức triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Khmer) gồm: 127 trường, trong đó cấp Tiểu học có 82 trường; cấp Trung học cơ sở có 41 trường và cấp Trung học phổ thông có 04 trường, với 1.315 lớp; số học sinh học tiếng Khmer có 35.789 học sinh. Tiếng Hoa dạy ở cấp Tiểu học gồm 01 trường, số lớp có 13 lớp, với tổng số học sinh có 375 học sinh.

Về đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo từ Trung học cơ sở song ngữ Việt - Khmer. Từ năm 1996 đến năm 2000 tỉnh Trà Vinh đã mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Khmer) và  mở lớp Trung học sư phạm song ngữ Việt - Khmer được 04 khóa; có 80 học viên/khóa; các giáo sinh đã tốt nghiệp ra trường tổng cộng hơn 320 giáo sinh và đã phân công giảng dạy ở các cơ sở giáo dục phổ thông (cấp tiểu học) theo nhu cầu và đáp ứng yêu cầu học tập tiếng Khmer của con em đồng bào dân tộc. Riêng từ năm 2008 Trường Đại học Trà Vinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp mã ngành đào tạo lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer; đến năm 2023 Trường đã đào tạo được 16 khóa và tuyển sinh rộng rãi trên toàn quốc. Các em sinh viên theo học ngành Đại học sư phạm Ngữ văn Khmer có hơn 500 giáo sinh. Trà Vinh có hơn 300 giáo sinh tham gia học và đã tốt nghiệp. Hiện nay, đa số các giáo sinh đã được tuyển dụng vào dạy học môn tiếng Khmer tại các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Về Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học - Về cơ sở vật chất và trang bị sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho người dạy và người học. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã chuẩn bị cơ sở vật chất như phòng học, bàn, ghế, bảng lớp đầy đủ để phục vụ cho việc tổ chức dạy học.

Về chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học tiếng dân tộc thiểu số. Đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các xã vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp 50% theo quy định theo Nghị định 61 của Chính phủ. Riêng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số tại xã không thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp 0,3 theo Nghị định số 82 của Chính phủ.

Đối với người dạy các lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer (các vị sư và các vị Achar) tỉnh có chính sách hỗ trợ người dạy hưởng kinh phí hỗ trợ 35.000đ/tiết theo Nghị quyết số 13 HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định hỗ trợ giáo viên dạy học tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Đối với học sinh học tại các cơ sở giáo dục và các điểm chùa, mỗi học viên được mượn 1 bộ sách giáo khoa tiếng Khmer để học tương ứng với lớp các em đang học. Về công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng Khmer. Từ năm 2013 - 2023, đã mở lớp và cấp chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Khmer) gồm 04 lớp, có 212 học viên hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ.

Đoàn khảo sát làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các Phòng giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan, ban ngành có liên quan; Đồng thời xin ý kiến các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, cơ sở giáo dục có liên quan để tham vấn ý kiến đề xuất các giải pháp, tháo gỡ về chính sách. Từ đó khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Quang cảnh buổi làm việc

Bà Lưu Bích Ngọc - Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lưu Bích Ngọc - Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết: Mục đích của đoàn đến Trà Vinh là khảo sát thực trạng triển khai thực hiện chính sách của Trung ương và ban hành các chính sách của địa phương đối với công tác dạy và học, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người có nhu cầu công tác ở vùng dân tộc thiểu số,tình hình tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở Giáo dục phổ thông và các Trung tâm giáo dục thường xuyên, thực trạng các nguồn lực như giáo viên, biên chế; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; chương trình, sách giáo khoa, những tồn tại, hạn chế khi thực hiện công tác dạy học và đề xuất các khuyến nghị về giải pháp chính sách, thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học tiếng dân tộc thiểu số, những tồn tại, hạn chế khi thực hiện công tác dạy học; công tác đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất các khuyến nghị về giải pháp chính sách.

Thông qua chuyến khảo sát, đoàn công tác ghi nhận và sẽ phản ánh các kiến nghị, đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đối với con em đồng bào dân tộc đến các cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách sát thực hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc./

Thực hiện: Hồng Hà


  • Đang online:
  • Tổng lượt truy cập: